Nhiều người trẻ hiện nay đang dành thời gian và tâm huyết để sáng tạo ra những sản phẩm thủ công độc đáo từ len sợi. Việc tự tay đan và móc những món đồ không chỉ là cách để họ thỏa mãn niềm đam mê sáng tạo mà còn là một cơ hội để họ tạo ra nguồn thu nhập thêm trong thời gian rảnh rỗi.
Một ví dụ điển hình là Trần Thị Thanh Thảo, một phụ nữ trẻ 25 tuổi, là chủ cửa hàng “Sun Handmade” tại TP. Đà Nẵng. Thảo bắt đầu khám phá sự đam mê của mình với việc móc len từ đầu năm 2023. “Khi đó, tôi đang trải qua một giai đoạn căng thẳng và tìm kiếm một sở thích để giải tỏa stress. Việc lựa chọn làm bạn với cuộn len đã giúp tôi thấy nhẹ nhàng hơn”, Thảo nhớ lại.
Kiếm ra tiền từ sở thích móc len “làm chơi, ăn thật”
Việc đan móc len đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo léo. Người thực hiện không chỉ cần dành thời gian và công sức mà còn phải đặt tâm huyết vào công việc để tạo ra những sản phẩm đẹp và sống động. Dường như, việc này thường được xem là công việc của người lớn tuổi, nhưng hiện nay, nó lại thu hút rất nhiều bạn trẻ.
Với một chiếc móc nhỏ làm bằng kim loại trong tay, Anh Linh, chủ tiệm len “Meo meo Crochet”, đang khéo léo biến len thành những chú cừu xinh xắn. Linh chia sẻ, “Gần 5 tháng trước, tôi bắt đầu tiếp xúc với các kỹ thuật đan móc len cơ bản thông qua mạng xã hội và sách hướng dẫn. Không chỉ tạo ra các sản phẩm để tặng cho gia đình, bạn bè hoặc giải trí sau giờ làm việc, tôi còn có thêm nguồn thu nhập từ việc móc len”.
“Giá của các sản phẩm từ len dao động từ 35.000 đồng đến 200.000 đồng”, Anh Linh chia sẻ. “Công việc này giúp tôi kiếm được khoảng 5.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng mỗi tháng”.
Theo Linh, giá cả của sản phẩm len thủ công phụ thuộc vào giá của sợi len và công đan móc. Trung bình, mất khoảng 2 ngày cho một thợ lành nghề để đan một chiếc túi, và mất khoảng một giờ để tạo ra một bông hoa len. Tuy nhiên, với những sản phẩm cần nhiều sự sáng tạo và tinh tế, thời gian sản xuất sẽ kéo dài hơn. Đa số khách hàng của Linh là bạn bè và thông qua việc bán hàng trực tuyến qua các nhóm cộng đồng.
Tương tự như Linh, Phương, một sinh viên năm ba của trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải, cũng đã tìm thấy một nguồn thu nhập từ việc đan móc len trong khi vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường. Phương chia sẻ: “Tôi đã bắt đầu bán len ở Hồ Tây được hơn một tháng. Tình cờ, tôi biết đến kỹ thuật móc len thông qua một video trên mạng, sau đó tìm hiểu và học hỏi từ từ. Sau đó, có người quen hỏi mua và tôi bắt đầu kinh doanh từ đó. Công việc này đòi hỏi sự tỉ mỉ cao, và mặc dù có thể linh động về thời gian, nhưng một khi đã bắt đầu, nó yêu cầu rất nhiều thời gian và nỗ lực, đôi khi tôi phải thức trắng cả đêm để hoàn thành.”
Các sản phẩm bằng len sợi đang là xu hướng và trở thành trào lưu bởi hình thức lạ mắt, mẫu mã đa dạng, độc đáo, dễ vệ sinh và có tình nghệ thuật cao. Thông thường các sản phẩm thủ công bằng len thường được đăng bán ở trên các nền tảng mua sắm trực tuyến hoặc hội chợ, vỉa hè vào cuối tuần. Do các sản phẩm được làm bởi các bạn trẻ nên chưa có nhiều kinh phí để thuê mặt bằng.
Là một người thường xuyên mua các sản phẩm bằng len, chị Thu Thủy chia sẻ: “Mỗi món đồ này đều được làm rất cầu kỳ, nhưng nó đem lại cảm giác thư giãn mỗi khi mình ngắm nhìn. Mình thấy giá thành hiện nay đều được bán rất hợp lý”.
Tìm cái mới từ trong cái cũ qua móc len
Không chỉ bó hẹp trong những chiếc áo truyền thống, khăn, mũ đơn giản, hiện nay thế giới đan móc mở rộng sang cả các loại túi xách, ba lô thời trang, các loại hoa quả, con giống, thú nhồi bông vô cùng bắt mắt. Thậm chí, rất nhiều vật dụng phổ thông cũng được sáng tạo từ len như quai xách cốc, giỏ treo chậu cây, hộp bút…
Chất liệu và màu sắc trong nghệ thuật đan móc len ngày nay cũng thay đổi đáng kể so với trước kia. Người ta không chỉ sử dụng len truyền thống mà còn kết hợp với các loại sợi khác như cotton, dây thừng hay thậm chí là những vật liệu tái chế. Màu sắc cũng không còn bị giới hạn, với các biến thể màu sắc rực rỡ và sắc nét, tạo nên những tác phẩm sống động và nổi bật.